Hầu hết chúng ta đều không bắt đầu ngày mới giống như nàng Bạch Tuyết vui vẻ ca hát với những chú chim non. Mà ngược lại, chúng ta hay hối hả thức dậy với tiếng chuông đồng hồ báo thức bị reo muộn, đầu đau nhức, cơ thể mệt mỏi, máy tính gặp trục trặc, file công việc bị hỏng ngay trước deadline, phải vừa ăn trưa vừa làm việc, thậm chí không thể hoàn thành công việc sau bữa trưa…
Theo chuyên gia digital marketing Sarah Landrum - sáng lập website chuyên đưa ra các lời khuyên về môi trường làm việc Punched Clocks, những người rơi vào các hoàn cảnh trên có thể cảm thấy là do lỗi của mình, nhưng thực chất không phải. Phần lớn những tình huống căng thẳng này nằm ngoài kiểm soát của chúng ta, nhưng chúng ta có thể điều hướng, chấp nhận và thay đổi những cách phản ứng của mình.
Dưới đây là 5 cách để kiểm soát một ngày làm việc tệ hại, theo Sarah Landrum:
1. Loại bỏ những căng thẳng liên quan đến công việc
Nguyên nhân stress hàng đầu của người Mỹ là do công việc. Ngày nay, 65% người Mỹ trải qua tình trạng stress có liên quan đến công việc, và một phần ba người đi làm ở Mỹ bị stress như thế lặp đi lặp lại thường xuyên.
Hãy giảm stress bằng cách xác định điều gì quan trọng, điều gì không quan trọng, và bắt đầu với những nhiệm vụ đơn giản nhất để lấy lại sự tự tin và tái tạo năng suất. Chẳng hạn như đặt những deadline mới khả thi hơn để có thể hoàn thành chúng. Và nếu cảm thấy tần suất deadline quá nhiều, hãy cân nhắc nói chuyện với nhà quản lý về vấn đề giảm khối lượng công việc.
2. Lưu ý cách tương tác với sếp
Những “ngày đen tối” của sếp bạn có thể diễn ra vào… mọi thời điểm, vì sếp có thể là người đối mặt nhiều áp lực nhất. Và đôi khi áp lực đó bị “truyền tải” xuống cho nhân viên. Việc xung đột phong cách giao tiếp có thể gây tổn hại cho mối quan hệ giữa bạn và sếp. Vì vậy, để cải thiện mối quan hệ này, hãy cố gắng giao tiếp với sếp bằng đúng phong cách của họ. Cụ thể, có 4 phong cách sau:
- Thiên về phân tích: Phong cách này đòi hỏi những con số, số liệu “cứng”. Nên tránh dùng ngôn ngữ mơ hồ và cần phải thật cụ thể khi giao tiếp với sếp thuộc kiểu người này
- Thiên về trực giác: Phong cách này tập trung vào bức tranh tổng quan và có xu hướng tránh đi vào chi tiết. Họ đã biết câu trả lời và muốn lắng nghe nó. Hãy trao cho họ một cái nhìn tổng thể hơn về tình trạng công việc và kết thúc bằng một kết luận vững chắc
- Thiên về chức năng: Phong cách này thích những chi tiết, những phác thảo, thời hạn, quá trình, các kế hoạch được lên cấu trúc chặt chẽ. Họ không muốn bỏ qua bất kỳ bước nào, vì vậy, hãy luôn rõ ràng và súc tích
- Thiên về cá nhân: Phong cách này đánh giá cao sự kết nối và ngôn ngữ cơ thể hơn là “giao tiếp lạnh” – những cách giao tiếp chỉ chú trọng vào dữ liệu. Họ thích đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân và có xu hướng thích hiểu biết về đồng nghiệp của mình một cách sâu sắc hơn
Hãy rèn luyện bản thân để giao tiếp theo đúng phong cách của sếp bạn. Không cần phải thay đổi hoàn toàn tính cách và phong cách của mình nhưng việc nói theo phong cách của người khác giống như một cách để hoàn thiện “ngôn ngữ thứ hai”.
Bất kể là bạn hay sếp gặp những ngày làm việc tệ hại, cách tốt nhất là hãy tránh xa sếp ra. Hãy hoàn thành công việc đúng thời hạn, nếu phải giao tiếp bằng lời nói, hãy súc tích và chuyên nghiệp. Email có thể là cách tốt nhất nếu bạn phải cập nhật công việc.
3. Tránh xa những câu chuyện buôn dưa lê
Những câu chuyện buôn dưa lê nơi công sở cũng có thể tác động đến năng suất làm việc. Khi mọi việc lên đến đỉnh điểm, đó có thể là thời điểm bạn nên liên hệ với bộ phận nhân sự về mối bận tâm của mình và cho biết nó ảnh hưởng thế nào đến khả năng làm việc của bạn.
Mặt khác, hãy cố gắng hết sức để đứng ngoài các câu chuyện này, dù các đồng nghiệp có muốn lôi bạn vào. Nếu bạn cảm thấy bị cám dỗ, hãy nhớ những điều này:
Hãy nhớ rằng, hầu hết các yếu tố tạo nên những ngày tệ hại đều nằm ngoài sự kiểm soát của bạn. Và tất cả mọi người cũng vậy. Hãy để bản thân chấp nhận nó. Lùi lại một bước, hít thở và tập trung vào việc tái tạo năng lượng. Khoảnh khắc tiếp theo lại là một khoảnh khắc mới mẻ.
- Đừng bộc lộ quá nhiều khi đang làm việc
- Khi cảm thấy thất vọng, hãy chờ đợi đến lúc được trả lời. Đừng giận dữ một cách bị động
- Nếu bạn nghĩ rằng các đồng nghiệp sẽ “xả van”, hãy cố gắng nói với họ về việc những hành vi tiêu cực của họ ảnh hưởng đến công việc của bạn thế nào
- “Diệt tận gốc” những câu chuyện buôn dưa lê bằng cách nói với đồng nghiệp “Xin lỗi, tôi không thể giúp bạn việc đó”. Hãy cho họ biết bạn đang giải quyết một deadline và quay trở lại làm việc ngay
Tránh xa những câu chuyện bàn tán của đồng nghiệp cũng sẽ giúp bạn tập trung tốt hơn vào công việc, và khiến bạn trông không quá “kinh khủng” dù đang ở trong một ngày tệ hại.
4. Quan tâm đến những rắc rối của bản thân
Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là khả năng phân biệt rạch ròi cuộc sống cá nhân và cuộc sống công việc? Không hẳn như vậy. Những điều tệ hại dễ dàng tác động đến sự cân bằng, và rất khó để duy trì sự tập trung khi mọi thứ có vẻ như đang xoay chuyển 180 độ.
Hãy tự hỏi bản thân xem bạn có thể tiếp tục thực hiện công việc hay bạn đang cần có một ngày để tái tạo năng lượng. Bạn không cần phải đẩy toàn bộ trách nhiệm cho sếp hoặc đội ngũ nhân sự, nhưng hãy hỏi xem bạn có thể thay đổi đôi chút nhiệm vụ của mình hoặc vắng mặt nửa ngày để “tiêu hóa” những tin xấu mà bạn đã nhận được.
5. Nghỉ ngơi khi bị bệnh
Khi thời tiết thay đổi, những căn bệnh do thời tiết gây ra sẽ dễ dàng lây nhiễm khắp nơi. Nếu bạn không quan tâm đến bản thân mình, thời gian hồi phục của bạn sẽ bị kéo dài hơn.
Nếu vẫn phải làm việc, hãy đến phòng y tế và tránh xa các đồng nghiệp. Nói với họ rằng bạn sẽ bị hạn chế một số phần việc. Liên lạc qua điện thoại hoặc email cũng là một cách hữu ích. Đừng mặc định rằng sếp sẽ không cho phép bạn nghỉ nửa ngày hoặc làm việc ở nhà. Hãy hỏi thử!
Khi cảm thấy quá sức, hãy sử dụng một ngày nghỉ. Đó là phương án tốt cho cả sức khỏe của bạn và những người xung quanh.
Ý kiến bạn đọc